10 Điều Nên Tránh Trong Tập Luyện & Thi Đấu Quần Vợt

Những lỗi tự đánh bóng hỏng thường là yếu tố quyết định trong mỗi trận đấu quần vợt. Nhưng đó không phải là điều duy nhất dẫn tới thất bại hay chiến thắng. Thực chất, việc luyện tập đúng cách mới có ảnh hưởng lớn.

ưngf
Kiểm tra giày thường xuyên.

Nỗ lực trong mỗi bài tập là điều mà các VĐV luôn mong muốn, nhưng đôi lúc, nỗ lực quá mức lại có thể gây ra nhiều nguy hiểm hơn là lợi ích. Dưới đây là 10 lỗi luyện tập thường thấy nhất.

1. Tập tạ quá nặng

Điều sai lầm lớn nhất mà hầu hết các VĐV quần vợt gặp phải khi luyện tập thể lực là tập tạ quá số kg quy định. Quần vợt là một môn thể thao đòi hỏi sức bền của cơ bắp bởi vì bạn sẽ phải giơ tay cầm vợt hàng trăm lần trong một trận đấu. Hãy tập luyện sao cho các cơ có thể dễ dàng thích ứng với mỗi động tác, thông qua việc chỉ cần nâng những quả tạ nhẹ, nhưng với cường độ lặp lại cao (từ 12 cho tới 20 lần).

2. Gây lực lên phần trên của cơ thể

Trong phòng tập thể lực, cần tránh những động gây áp lực lên đôi vai. Bởi trên thực tế, vai chính là bộ phận phải “chịu trận” nhiều nhất trong suốt các trận đấu quần vợt. Tạo thêm sức mạnh không cần thiết vào phần trên của cơ thể sẽ khiến nguy cơ bị chấn thương càng cao. Chính vì vậy, thay vì việc phải chịu lực thông qua các động tác mạnh quá đầu, hãy thay thế bằng những động tác tay ra phía trước cơ thể.

3. Bỏ qua những gì bạn không thể nhìn thấy

Quần vợt giúp cơ thể của bạn khỏe hơn. Các tay vợt chuyên nghiệp sẽ có những đôi tay khỏe mạnh, cơ ngực phát triển hơn phần cơ lưng và vai. Để giữ trạng thái cân bằng, cần luyện tập nhiều với các bó cơ lưng bao gồm cơ thang, cơ delta phía sau… nhiều gấp đôi những gì bạn làm với các nhóm cơ phía trước. Nhưng cũng không được phép bỏ quên các bó cơ trung tâm. Tất cả đều có tác dụng điều khiển các đường bóng bạn đánh ra.

4. Không chạy bộ

Quần vợt đòi hỏi bạn phải di chuyển nhiều và rất nhanh. Các chuyên gia cho rằng khoảng thời gian chạy 40 phút là phù hợp và sẽ giúp ích rất nhiều cho sức bền của bạn. Nên chạy giảm dần quãng đường và như vậy, bạn sẽ tập trung chạy với tốc độ cao nhất. Đầu tiên, bạn hãy chạy 400 m rồi 200 m sau đó là 100 m rồi 50 m và lặp lại như vậy.

5. Luyện tập quá mạnh

Hạn chế tối đa tác động lên các khớp của cơ thể bằng việc kết hợp luyện tập đi xe đạp, bơi, leo cầu thang… Quần vợt có ảnh hưởng tương đối lớn nên càng nhiều những cú đánh bóng mạnh, cả trong và ngoài sân đấu, bạn càng có nguy cơ chấn thương cao.

6. Không chú ý đến khoảng thời gian trước và sau trận đấu

Nếu thực hiện những động tác làm căng cơ bất chợt khi mọi cơ bắp đều đang “nghỉ ngơi”, bạn sẽ có nguy cơ bị dãn hoặc đau cơ. Hãy khởi động vài phút bằng những động tác thể dục nhẹ nhàng hoặc chạy bộ, sau đó mới bắt đầu các động tác nặng hơn. Và cũng nên nhớ một điều, đừng chạy thẳng vào phòng thay quần áo sau trận đấu. Hầu hết mọi người đều không thư giãn các cơ sau một cuộc so tài căng thẳng. Nhưng nên nhớ, đó là khoảng thời gian quan trọng nhất. Cơ bắp của bạn đang ở thời điểm đàn hồi, nên chúng dễ dàng bị kéo căng.

7. Gắng quá sức

Co dãn cơ không cần phải thực hiện tới độ có thể gây ra đau đớn. Bạn nên tạo ra một cử động nhẹ nhàng trong khoảng thời gian từ 20 đến 30 giây. Không có nhiều bằng chứng cho thấy giữ thời gian lâu hơn sẽ có nhiều tác động tốt hơn. Nhưng điều quan trọng là bạn cần phải thực sự nhiệt tình và kiên nhẫn, kéo cơ thật chậm rồi mới tăng dần.

8. Không quan tâm đến trang phục

Thi đấu vào những ngày trời nắng sẽ làm cho bạn dễ bị say nắng. Để lấy lại được sự thăng bằng, hãy uống nhiều nước và chọn những loại quần áo phù hợp. Nên mặc áo màu sáng và khi đã ướt đẫm mồ hôi, ần phải thay ngay. Hãy dùng kem chống nắng có SPF tối thiểu là 15 trong những này trời nắng to và sau mỗi set thì lại thoa kem một lần. Nhất thiết phải đội mũ. Tất cả có tác dụng bảo vệ mắt bạn khỏi tia UV và tránh ánh nắng trực tiếp vào đầu.

9. Không kiểm tra giầy

Đây là lỗi thường gặp của người mới chơi quần vợt. Thế nhưng đôi lúc, những tay chơi chuyên nghiệp cũng mắc phải. Giày chơi quần vợt có những đặc điểm riêng giúp bạn bảo vệ được mắt cá chân và hạn chế tối đa chấn thương. Hãy thay giầy 6 tháng/lần cho dù nó vẫn chưa hỏng. Chọn loại giày có miếng lót, có thể tự mềm hoặc thấm mồ hôi mà không cần phải có tác động bên ngoài.

10. Chế độ dinh dưỡng

Tránh những thức ăn có nhiều chất béo đồng thời tránh ăn quá no trước trận đấu hai hoặc ba giờ, nếu không bạn sẽ bị đau bụng. Nhưng cũng đừng có ra sân mà không ăn gì cả. Một hoặc hai giờ trước mỗi trận đấu, hãy dùng một bữa nhẹ với những thức ăn như chuối và sữa chua…